Cuộc đời đáng sống của E. Bakken – ‘cha đẻ’ máy tạo nhịp tim

Có lẽ những người làm ngành y, đặc biệt lĩnh vực tim mạch, đều biết đến Medtronic, hãng cung cấp thiết bị y tế lớn nhất thế giới. Nhưng chắc hẵn ít người biết đến nhà đồng sáng lập hãng này, Earl Elmer Bakken, mất vào ngày 21/10/2018 ở tuổi 94, lại có một cuộc đời thật đáng sống.

Earl Elmer Bakken (ngồi giữa) gặp mặt những người của chương trình The Bakken Invitation hồi tháng 8/2018,

Cảm hứng từ… Frankenstein

Earl Elmer Bakken sinh tại Minneapolis (Hoa Kỳ) ngày 10/1/1924.Từ nhỏ cha mẹ ông đã nuôi dưỡng trí tò mò bằng cách cho ông chơi những trò lắp ráp điện tử. Nhờ thế lúc chín tuổi ông đã làm ra chiếc điện thoại nối nhà mình với hàng xóm, máy phát thanh từ những chiếc hộp thuỷ tinh, thậm chí một con robot nháy mắt và nói chuyện.

Nhưng “định mệnh” của đời ông xảy ra vào năm trước đó khi ông được xem cuốn phim kinh dị Frankenstein. Sau này ông nhớ lại: “Điều tôi bị mê hoặc nhất là khả năng sáng tạo của BS Frankenstein về điện tử. Thông qua những chiếc máy nhấp nháy kỳ lạ trong phòng thí nghiệm, ông ấy làm người chết hồi sinh”.

Kết thúc trung học, Bakken phục vụ quân đội trong Thế chiến thứ 2 trước khi nhận bằng kỹ sư điện tử đại học Minnesota năm 1948. Thời đi học, Bakken có nhiều bạn bè ở bệnh viện Northwestern. Biết ông giỏi nghề, nhiều bác sĩ nhờ ông lắp ráp, sửa chữa thiết bị y tế.

Ngày nọ, Palmer J. Hermundslie, anh em cột chèo của Bakken, gợi ý  hai người thành lập công ty chuyên sửa chữa thiết bị điện tử y tế. Năm 1949, khi Bakken 25 tuổi, Medtronic ra đời. Việc kinh doanh ban đầu tiến triển chậm, ngoài sửa chữa thiết bị y tế, công ty đi một hướng mới là làm ra thiết bị cho từng khách hàng theo yêu cầu của bác sĩ. Và bước ngoặt này đến với họtừ… một sự kiện buồn.

Thời đó, bệnh nhân loạn nhịp tim phải dùng máy tạo nhịp tim (pacemaker) to như chiếc máy lạnh gắn vào tường. Một ngày gần lễ Halloween năm 1957, bệnh viện Minneapolis, nơi có bác sĩ C. Walton Lillehei – người phát triển một kỹ thuật mổ chữa bệnh tim bẩm sinh trẻ em – để một em bé tử vong vì loạn nhịp tim. Thế là Lillehei tìm đến Bakken, nhờ ông làm một chiếc pacemaker nhỏ gọn, tinh xảo, xài pin và có thể gắn lên người bệnh nhân.

Bakken lao ngay vào sáng tạo và chưa đến một tháng ông đã làm ra một chiếc hộp 4 inch vuông, gắn vào ngực bệnh nhân, phát tín hiệu điện đến tim thông qua dây dẫn ngang ngực và chúng có thể lấy ra mà không cần mổ xẻ.

Thí nghiệm thành công trên chó, hôm sau Lillehei gắn thiết bị lên ngực một em bé và giúp em sống sót. May cho Bakken khi đó cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ chưa “để mắt” đến lĩnh vực thiết bị y tế.Chứ như ngày nay, chỉ bằng một thử nghiệm đơn giản như thế, “đứa con” của ông khó ra đời chóng vánh.

Sống, cho đi và mộng mơ

Những năm đầu, Medtronic chỉ bán được chục pacemaker mỗi năm. Nhưng năm 1960, công ty có bản quyền sáng chế pacemaker gắn lên người, thế là kinh doanh phát đạt. Năm 1962, công ty lãi 500.000 USD, năm 1968 lãi 10 triệu USD. Hiện nay Medtronic được xem là công ty sản xuất trang  thiết bị y tế lớn nhất với 86.000 nhân viên trên toàn cầu và sở hữu khối tài sản 129 tỷ USD.

Một máy tạo nhịp tim do Medtronic sản xuất. 

Năm 2017, công ty đạt lợi nhuận 29,7 tỷ USD với nhiều sản phẩm đa dạng, trong đó có bơm insulin, stent tim mạch và hệ thống kích thích não sâu. Nhưng Medtronic vẫn nổi tiếng nhất với pacemaker, thiết bị phát xung điện đến tim tổn thương để duy trì nhịp tim bình thường. Ngày nay, có khoảng 3 triệu người trên toàn cầu mang pacemaker.Ước tính những mặt hàng của Medtronic có thể giúp cải thiện cuộc sống hai người trong mỗi giây.

Công ty ăn nên làm ra, nhưng Bakken lại không đặt mục tiêu lợi nhuận lên đầu. Ông nói: “Chúng tôi chỉ muốn tạo ra sự thay đổi tích cực lâu dài cho cuộc sống bệnh nhân”. Ngay từ năm 1960, ông đã viết “Triết lý Medtronic” và nó vẫn duy trì đến nay: “Mọi sản phẩm mà công ty nghiên cứu, thiết kế, sản xuất và bán ra chỉ để làm giảm nỗi đau, phục hồi sức khoẻ và kéo dài cuộc sống con người”.

Vì tinh thần này mà khi có đề nghị hợp tác sản xuất kíp nổ bom, ông từ chối: “Công ty không kinh doanh loại sản phẩm này. Chúng tôi chỉ giúp đỡ chứ không tiêu huỷ con người”.  Bakken dẫn dắt công ty trong 40 năm, lui về làm chủ tịch năm 1989 trước khi nghỉ hưu vào năm 1994.

Nhưng phía sau một Bakken quản lý và kinh doanh là một Bakken luôn hướng về cộng đồng.Năm 1975, ông lập viện bảo tàng Bakken ở Minneapolis để tạo cảm hứng cho công chúng về lĩnh vực điện tử và từ học. Ông tài trợ nhiều chương trình giáo dục cho các trường đại học, cấp học bổng cho sinh viên, thành lập nhiều trung tâm cộng đồng và thư viện phi lợi nhuận phục vụ giáo dục.

Năm 2013, Bakken tung ra chương trình The Bakken Invitation (tạm dịch: Lời mời Bakken) để vinh danh những người gắn thiết bị y tế trên người đã vượt qua bệnh tật và tạo ra một tác động trên cuộc sống người khác, thông qua tinh thần phục vụ, tự nguyện. Những người này chọn ra từ khắp nơi, được mời đến nước Mỹ để chia sẻ những câu chuyện sống động của họ, để tạo cảm hứng cho cộng đồng.

Nhưng Bakken vào năm cuối đời cũng là nguồn cảm hứng sống động. Ông cũng mang pacemaker, đặt stent trong tim và sử dụng bơm insulin để trị bệnh tiểu đường. Ông muốn chứng minh một điều: người được y khoa tặng thêm những năm tháng vào cuộc đời thì vẫn có thể mang lại điều tốt lành cho người khác. Vì thế, khẩu hiệu của chương trình thật ý nghĩa: Hãy sống, cho đi và mộng mơ trên những thiết bị y tế!

Nguồn: https://thegioihoinhap.vn/loi-song/suc-khoe-y-te/cuoc-doi-dang-song-cua-e-bakken-cha-de-may-tao-nhip-tim/?fbclid=IwAR3bAEVrBGMZY2GeYR9-gAgCbjXJhVlKhFM8DK7ztyvAVES11dCqMVUUXnE