Hướng dẫn của CDC Hoa Kỳ

Nhờ sự cải thiện của điều trị và chăm sóc y khoa, ngày nay trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh (BTBS) có thể sống lâu hơn và khoẻ mạnh hơn. Phần lớn họ sống đến trưởng thành. Và nếu được chăm sóc phù hợp, thậm chí họ có thể sống khoẻ gần như người bình thường.

Sau đây là những hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ (cập nhật ngày 3/2/2023) đối với người mắc BTBS:

Khám bác sĩ định kỳ

Điều quan trọng đối với cha mẹ các trẻ mắc BTBS và người lớn mắc bệnh này là nói chuyện thường xuyên với bác sĩ tim mạch. Đi khám định kỳ với chuyên gia tim mạch cũng rất cần thiết vì họ sẽ cung cấp cho cha mẹ trẻ mắc BTBS những giải pháp chăm sóc trẻ tốt nhất. Tương tự, người lớn mắc BTBS cũng có được những tư vấn tốt từ bác sĩ nếu đi khám định kỳ.

Cho trẻ mắc BTBS khám bác sĩ định kỳ để nhận được những lời khuyên hữu ích.

Trẻ em và người lớn mắc BTBS cũng có thể làm cho việc chăm sóc sức khoẻ của mình tốt hơn bằng cách nắm vững những thông tin bệnh sử của mình gồm:

  • Dạng BTBS nào mình đang mắc.
  • Hình thức can thiệp hoặc phẫu thuật nào bác sĩ đã làm cho mình.
  • Những loại thuốc và liều lượng thuốc mà bác sĩ kê toa cho mình sử dụng hiện tại và trước đây.
  • Hình thức chăm sóc y khoa nào mà mình đang áp dụng.

Nhìn chung, nếu được chăm sóc phù hợp và lâu dài, trẻ em và người lớn mắc BTBS có thể có một cuộc sống khoẻ mạnh, tốt đẹp không khác người bình thường bao nhiêu.

Chăm sóc suốt đời

Khi một bệnh nhân BTBS phát triển và lớn lên, những vấn đề về tim có thể xảy ra. Lúc này họ có thể cần được phẫu thuật, can thiệp bổ sung sau lần chữa trị đầu tiên. Một số bệnh nhân khác thì cần được chăm sóc suốt đời để có được sức khoẻ tốt nhất chống chọi với một số vấn đề sức khoẻ có thể xảy ra,

Dinh dưỡng

Một số trẻ mắc BTBS có thể mệt mỏi khi bú và không dung nạp đủ dinh dưỡng để tăng cân. Ngoài ra, do quả tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp phần tim bị bệnh, nên một số trẻ BTBS đốt cháy năng lượng nhiều hơn. Khi lớn lên, các trẻ này có thể nhỏ con, gầy ốm so với trẻ khác. Nhưng sau khi điều trị BTBS, thông thường sự phát triển và tăng cân sẽ cải thiện. Điều quan trọng là cha mẹ của trẻ cần tư vấn bác sĩ về chế độ ăn uống và dinh dưỡng để trẻ có được sự tăng trưởng tốt nhất.

Thuốc men

Một số trẻ và người lớn bị BTBS sẽ cần thuốc men để giải quyết những vấn đề liên quan đến dị tật tim. Thí dụ thuốc trợ tim giúp tim khoẻ hơn, hoặc thuốc làm hạ huyết áp. Bệnh nhân phải dùng thuốc bác sĩ kê một cách đúng đắn.

Hoạt động thể chất  

Hoạt động thể chất giúp bệnh nhân luôn khoẻ mạnh và có thể làm cho tim mạnh mẽ hơn. Người lớn và trẻ mắc BTBS phải trao đổi với bác sĩ về hình thức hoạt động thể chất nào có lợi và không có lợi cho sức khoẻ của mình.

Người mắc BTBS cần tư vấn bác sĩ trước khi quyết định có thai.

Mang thai

BTBS là một trong những vấn đề về tim thường gặp ở người mang thai. Thai kỳ có thể tạo ra gánh nặng cho tim ở bệnh nhân mắc một số dạng BTBS. Nhiều người mắc BTBS vẫn có thể mang thai yên ổn, bình thường. Nhưng nhìn chung, nếu muốn có thai thì bệnh nhân BTBS nên trò chuyện với bác sĩ để biết liệu việc mang thai có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của họ không. Một số người có thể cần sự can thiệp nào đó hoặc cần thuốc men để trợ giúp trái tim trong thai kỳ. Nếu bạn mắc BTBS hoặc có tiền sử gia đình BTBS, việc trò chuyện với một chuyên gia di truyền cũng có ích.

Những vấn đề sức khoẻ tiềm tàng khác

Nhiều người mắc BTBS có thể sống một cách độc lập. Một số khác thì chỉ gặp chút hạn chế trong vận động và làm việc. Nhưng cũng có những người mà sự hạn chế vận động sẽ gia tăng và phát triển với thời gian. Ngoài ra bệnh nhân BTBS cũng có thể phát triển những vấn đề sức khoẻ khác liên quan đến dị tật tim của họ. Những vấn đề này tuỳ thuộc vào bệnh tim của họ, số dị tật tim mà ho có và sự nghiêm trọng của dị tật tim.

Một số vấn đề sức khoẻ có thể cần phải điều trị gồm:

Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

Là tình trạng viêm lớp màng trong của tim do vi khuẩn. Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến những vấn đề sức khoẻ khác như hình thành cục máu đông, tổn thương van tim, suy tim. Nhiều hướng dẫn y khoa khuyến cáo bệnh nhân mắc một số bệnh tim nên uống kháng sinh trước khi áp dụng một số can thiệp sức khoè như phẫu thuật hoặc chăm sóc nha khoa. Tuy nhiên, những hướng dẫn này đã được cập nhật và nhiều người mắc BTBS, như hẹp van hoặc thông liên thất chưa điều trị, không còn phải dùng kháng sinh trước khi thực hiện thủ thuật. Mỗi bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về bệnh tim của mình, liệu có cần dùng kháng sinh hay không.

Loạn nhịp tim 

Loạn nhịp tim là vấn đề đối với quả tim đập: tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Điều này có thể khiến cho tim không bơm đủ máu ra ngoài cơ thể và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Một số người bị dị tật tim có thể có loạn nhịp tim cùng với tật tim của họ, hoặc loạn nhịp tim là hậu quả của sự điều trị tật tim trong quá khứ.

Tăng áp phổi   

Tăng áp phổi là hiện tượng cao huyết áp ở những động mạch dẫn máu từ tim đi đến phổi. Một số tật tim có thể gây ra tăng áp phổi, khiến cho tim và phổi phải làm việc khó nhọc hơn. Nếu tăng áp phổi không được điều trị, lâu ngày phần bên phải của tim có thể giãn to ra và dẫn đến suy tim.

Bệnh gan

Người bị dị tật tâm thất đơn độc có thể phát triển bệnh gan cùng với tật tim hoặc bệnh gan là hậu quả của việc điều trị bệnh tim trong quá khứ. Bệnh nhân có vấn đề này cần khám bác sĩ đều đặn để được tư vấn cách giữ sức khoẻ tốt nhất.

Những vấn đề sức khoẻ khác

Khi những người mắc BTBS càng lớn tuổi, họ có thể mắc những bệnh của tuổi lớn như đái tháo đường, béo phì, xơ vữa động mạch. Do những bệnh này xảy ra cùng với BTBS, nên chúng có thể ảnh hưởng đến vệnh nhân bị BTBS khác với người lớn không bị BTBS. Do đó hàng năm bệnh nhân cần đi khám một chuyên gia hiểu biết về BTBS người lớn.

Nguồn: https://www.cdc.gov/ncbddd/heartdefects/living.html

  • Đã không tìm thấy bài viết liên quan!