Người đầu tiên được ghép tim một phần

Ghép tim một phần vừa được Bệnh viện đại học Duke (Hoa Kỳ) áp dụng cho một bé trai sơ sinh bị thân chung động mạch, một dạng tim bẩm sinh hiếm gặp, chữa trị phức tạp. Sau gần 5 tháng điều trị, bé khoẻ mạnh và lớn như trẻ bình thường.

Bé Owen sau mổ (Ảnh: TL)

Khi siêu âm thai kỳ, chị Tayler Monroe, sống tại Bắc Carolina, được bác sĩ thông báo em bé bị thân chung động mạch. Ra đời không lâu, quả tim của bé Owen Monroe, con chị Tayler, ngày càng hoạt động kém và bác sĩ nói với gia đình có lẽ bé cần ghép tim.

Chị Tayler nói: “Nghe như thế, chúng tôi biết không còn nhiều chọn lựa vì tim bé đã suy. Vì thế, trước mắt phải cho bé qua cơn nguy kịch rồi sau đó tính tiếp. Tôi và chồng cũng bàn chuyện hiến tạng Owen cho những em bé khác nếu có tình huống xấu. Đó là cuộc nói chuyện khó khăn nhất đối với người làm cha mẹ”.

Thân chung động mạch chiếm 3% số bệnh tim bẩm sinh, khi động mạch chủ và động mạch phổi có một thân chung thay vì hai động mạch tách biệt ra khỏi tim. Cùng với đó là thiếu vách ngăn tâm thất. Điều này khiến máu trong tim lưu thông bất thường và không mang đủ ôxy để đi nuôi cơ thể.

Trước nay, trẻ mắc bệnh này cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt trong vòng 3 tháng sau sinh. Ghép tim như trường hợp của Owen cũng là giải pháp, nhưng do quá nhỏ tuổi, bé cần ít nhất 6 tháng để có được tạng hiến, khi đó thì quá muộn.

Vậy là gia đình Monroe quyết định thử một cách điều trị lần đầu áp dụng trên thế giới do Bệnh viện đại học Duke nghiên cứu, đó là ghép tim một phần (partial heart transplant) từ mô sống.

Tháng 4 vừa qua, Owen trải qua cuộc phẫu thuật 8 giờ, các bác sĩ tách hai động mạch chính ra, ghép mạch máu và hai van tim bằng mô sống vào cho bé thay van bị hư. Chỉ sau vài tuần, bé xuất viện về nhà và phát triển như bé bình thường. Giờ đây, khi ca mổ chắc chắn thành công, bệnh viện mới công bố thông tin.

Ghép tim một phần, hay ghép mô sống vào tim, có gì hay so với giải pháp phẫu thuật bấy lâu nay để chữa bệnh thân chung động mạch?  Bác sĩ Joseph Turek, trưởng kíp mổ, nói với tờ Daily Mail: “Trước đây người ta dùng van tim hay mô chết để ghép, nhưng chúng không phát triển cùng với cơ thể bệnh nhi. Vì thế bé phải mổ đến 3 lần cho đến khi trưởng thành và sau đó cứ 10 năm lại mổ một lần để thay van tim”.

Bé Owen về nhà mạnh khoẻ (Ảnh: TL)

Được biết van tim và mô sống ghép cho Owen lấy từ tim hiến tặng. Ở đây, quả tim không thể ghép cho ai được vì cơ tim suy yếu, nhưng van tim vẫn còn tốt nên được bác sĩ tận dụng để ghép cho bệnh nhân. Điều này mở ra triển vọng chữa trị cho nhiều trẻ bệnh có nhu cầu.

Bác sĩ Turek nói tiếp: “Ghép tim một phần không chỉ áp dụng cho loại bệnh thân chung động mạch này. Có một số bệnh tim bẩm sinh mà kết cục bệnh nhân cần phải thay van tim và mạch máu. Như thế sẽ có vô số trẻ được chữa lành và kéo dài tuổi thọ”.

Kết quả kiểm tra sau cùng cho thấy các van tim của Owen phát triển và hoạt động tốt. Bé lớn bình thường và không có biểu hiện nào cho thấy ca mổ thất bại. Tuy nhiên, cũng có chút băn khoăn là liệu bé có phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời hay không vì mô ghép là vật thể lạ. Điều này sẽ khiến bệnh nhân dễ mắc các bệnh khác vì thuốc ức chế hệ miễn dịch của họ.

Nhưng theo các chuyên gia, với mảnh ghép nhỏ như van tim, có thể bệnh nhân không cần dùng đến thuốc chống thải ghép. Bác sĩ Michael Carboni, chuyên gia ghép tim nhi khoa tham gia ca mổ nói: “Ghép tim một phần với mô sống là một lĩnh vực quá mới mà tôi chưa biết tường tận. Sau nhiều ca ghép trong tương lai, hy vọng tôi sẽ biết rõ nhiều điều. Hiện tại tôi chỉ biết làm những gì tốt nhất cho Owen”.

Trẻ bị thân chung động mạch sẽ có biểu hiện bất thường trong tuần đầu sau sinh gồm: môi và móng tay xanh tái, thở nhanh hoặc rối loạn nhịp thở, bú kém, vã mồ hôi. Nếu không được phẫu thuật, 90% trẻ tử vong trong năm đầu. Khoảng 90% trẻ được phẫu thuật sẽ sống được hơn 40 tuổi.

Nguồn: https://thegioihoinhap.vn/loi-song/suc-khoe-y-te/nguoi-dau-tien-duoc-ghep-tim-mot-phan/

Xem thêm video: Phẫu thuật ghép tim được làm như thế nào?