Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín – Người mộng mơ của can thiệp tim bẩm sinh

Nói về tính cách, có người thích, người không thích anh. Nhưng dù gì đi nữa khó ai phủ nhận được năng lực chuyên môn và những gì anh làm cho ngành can thiệp tim bẩm sinh Việt Nam.

Lần đầu gặp có lẽ nhiều người không ấn tượng vì vẻ ngoài nhỏ nhắn của bác sĩ Đỗ Nguyên Tín, trưởng Đơn vị Can thiệp tim mạch bệnh viện Nhi Đồng 1 – TP.HCM. Tôi cũng vậy, không mấy ấn tượng trong lần đầu gặp anh tại lab can thiệp mạch máu của bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM vào những năm 2002 – 2003, khi anh đến đây vài buổi mỗi tuần học cấy máy tạo nhịp tim trên chiếc máy DSA cũ kỹ hiệu Shimizu.

Cơ duyên đời người

Nhưng trong thời gian này anh cũng bắt đầu biết đến can thiệp tim bẩm sinh trẻ em, một lĩnh vực mới của ngành tim mạch nhi, bởi trước đó vào năm 1999, bác sĩ Lê Trọng Phi, một chuyên gia Việt kiều Đức, đã ghé bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca can thiệp tim bẩm sinh đầu tiên tại Việt Nam.

Ca bệnh đó là người lớn. Chỉ cần luồn vài dụng cụ qua chiếc ống thông đưa vào tim là bác sĩ có thể sửa chữa những dị tật tim mà không cần mổ hở. Trong khi bác sĩ thao tác, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, không đau đớn và có thể xuất viện sau 1-2 ngày. Chuyện như phép màu!

“Nếu làm được như thế trên trẻ em thì hay quá. Nhưng học kỹ thuật này như thế nào?”, người giảng viên trẻ của Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP.HCM tự hỏi.

Và cơ duyên đã đến. Giữa năm 2005 bác sĩ Tín được cử sang Đài Loan học bài bản can thiệp tim bẩm sinh trẻ em cùng vài bác sĩ của bệnh viện Nhi Đồng 1 – TP.HCM để về thành lập một ê-kíp phát triển chuyên ngành này tại bệnh viện.

Nhưng sau nửa năm tu nghiệp ở nước ngoài, về nước đầu năm 2006 bác sĩ Tín vẫn không có đất “dụng võ” vì bệnh viện Nhi Đồng 1 chưa mua máy DSA. Vì thế anh sang Viện Tim, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thậm chí ra tận bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, những nơi có máy DSA, để học hỏi, thực hành và phát triển tay nghề trên từng ca bệnh.

Anh nhớ lại: “Có lần bác sĩ Phi về nước được vài ngày, vậy là anh ấy và tôi tranh thủ can thiệp hơn 20 ca bệnh từ hôm nay đến tận 1-2 giờ sáng hôm sau. Khi đó ít bác sĩ theo đuổi lĩnh vực này vì nó quá mới, làm vất vả và bản thân họ cũng bận bươn chải kinh tế”. Phải đến giữa năm 2009, khi phòng lab can thiệp tim mạch bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM ra đời với chiếc máy DSA mới toanh, bác sĩ Tín mới có chỗ làm chính thức.

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín (thứ 2 từ phải sang) cùng bác sĩ Mario Carminarti (thứ 3 từ phải sang) – trưởng khoa Tim bẩm sinh người lớn và trẻ em bệnh viện đa khoa San Donato (TP. Milan – Ý) vào tháng 5/2017, sau khi can thiệp thành công một ca bệnh tim bẩm sinh. 

Người bít lỗ thông        

Giữa tháng 11 qua, trò chuyện với GS.TS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, ông cho biết mình có cơ duyên làm việc cùng bác sĩ Đỗ Nguyên Tín vào những năm 2007 – 2008 khi ban giám đốc giao ông xây dựng một trung tâm tim mạch.

Ông nói: “Khi đó tôi mời anh ấy về hỗ trợ mảng can thiệp tim bẩm sinh. Thú thật, dù là dân can thiệp tim mạch, nhưng tôi chuyên về can thiệp mạch vành. Thời gian đó, bản thân tôi học được nhiều chuyên môn từ bác sĩ Tín. Nhờ anh ấy mà bệnh viện đã làm thường quy được 4 kỹ thuật can thiệp để điều trị các loại bệnh tim bẩm sinh phổ biến là bít ống động mạch, bít thông liên nhĩ, bít thông liên thất và nong van động mạch phổi”. Ngày nay việc điều trị những dị tật tim trên và nhiều loại bệnh tim cấu trúc khác bằng can thiệp không còn xa lạ. Nhưng không nhiều người biết rằng kỹ thuật này chỉ mới ra đời và phát triển trên thế giới khoảng 40 năm nay. Chứ trước đây, đó là công việc của các bác sĩ phẫu thuật tim hở.

Tại Việt Nam, nếu can thiệp tim mạch người lớn được biết đến từ năm 1995 thì can thiệp tim mạch trẻ em lại chậm hơn, thông qua quá trình chuyển giao kỹ thuật thời gian đầu của bác sĩ Lê Trọng Phi, một trong những chuyên gia hàng đầu về can thiệp tim bẩm sinh trẻ em của thế giới. Có thể xem bác sĩ Phi là người đặt nền móng cho can thiệp tim bẩm sinh Việt Nam và cùng thời điểm này y học nước nhà đã hình thành hai nhân vật xuất sắc trong lĩnh vực này.

GS Trương Quang Bình nhận xét: “Theo tôi, đến nay có hai người giỏi chuyên môn và nhiều kinh nghiệm về can thiệp tim bẩm sinh tại Việt Nam. Đó là bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu ở ngoài Bắc và bác sĩ Đỗ Nguyên Tín ở trong Nam. Trong can thiệp tim mạch nhi hay có chuyện bít các lỗ thông, tôi gọi vui họ là “Mr. Occluder” (Người bít lỗ thông – NV)”.

Paracelsus, vị bác sĩ người Đức sống vào thế kỷ 16 từng nói: “Y học không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật”. Câu nói này nếu áp dụng trong lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh nhi có lẽ đúng.

Những năm qua, tôi may mắn chứng kiến bác sĩ Tín can thiệp hàng trăm trẻ mắc các loại bệnh tim bẩm sinh khác nhau. Đôi tay thanh thoát của anh như đôi tay của người nghệ sĩ, luồn chiếc ống thông vào mạch máu bệnh nhân, nhẹ nhàng đưa ống thông đi từ buồng tim này đến buồng tim kia, và khi đến chỗ có dị tật thì thả dụng cụ ra để sửa chữa dị tật.

Nhiều đồng nghiệp hoặc học trò gọi anh là “quái kiệt can thiệp tim bẩm sinh”. Có lẽ không sai, bởi anh có thể giải quyết những ca bệnh khó mà người khác chào thua. Một em bé chào đời vài ngày tuổi bị tím tái, khó thở, tính mạng bị đe doạ nghiêm trọng vì bệnh tim bẩm sinh. Nhưng qua đôi tay tài hoa của anh, sau một giờ can thiệp bít lỗ thông hay nong van tim, em bé tức khắc hồng hào, khoẻ mạnh như trong chuyện cổ tích.

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín trong chuyến tầm soát trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh tại Bến Tre tháng 11/2022.

Quảng bá ra thế giới

Đầu tháng 11/2022, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín có mặt tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hoà. Trong hai ngày, anh vừa làm vừa hướng dẫn đồng nghiệp can thiệp 20 ca bệnh. Đây là công việc quen thuộc mà anh đã làm 10 năm qua theo hợp tác chuyển giao kỹ thuật giữa bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM và bệnh viện này.

Bác sĩ Phạm Công Nhựt, trưởng khoa Can thiệp tim mạch bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hoà, chia sẻ: “Nhờ bác sĩ Tín hỗ trợ mà ngày nay chúng tôi đã can thiệp được nhiều loại bệnh tim bẩm sinh. Bệnh nhân được điều trị tại chỗ, không phải vào TP.HCM, tiết kiệm được công sức và chi phí”.

Nhưng không chỉ trong nước, bác sĩ Tín còn được biết đến như một chuyên gia quốc tế về chuyển giao kỹ thuật hoặc điều trị các ca bệnh tim bẩm sinh phức tạp. Anh không nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến đi như thế đến các nước trong vùng như Myanmar, Malaysia, Indonesia, Philipines; xa hơn là Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Iran; thậm chí cả các quốc gia tiên tiến như Ý, Nhật Bản.

Tháng 12/2018, tôi có mặt tại bệnh viện Nhi đồng Yankin của TP Yangon – Myanmar, chứng kiến bác sĩ Tín hỗ trợ chuyên môn và điều trị cho hàng chục trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh phức tạp ở đây.

Như cách làm ở trong nước, thời gian đầu anh “cầm tay chỉ việc” học trò, sau đó anh buông tay cho họ tự làm và chỉ quay lại giải quyết những ca bệnh khó. Nhờ cách làm này mà giờ đây bác sĩ Khin Maung Oo, trưởng Đơn vị tim bệnh viện Nhi đồng Yankin, trở thành một trong những chuyên gia can thiệp tim bẩm sinh hàng đầu của Myanmar.

Tôi từng hỏi bác sĩ Lê Trọng Phi, tại sao bác sĩ Việt Nam có thể đi nước khác chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh và bác sĩ nước ngoài cũng tìm đến ta học chuyên ngành này. Ông trả lời: “Một phần do bác sĩ Việt khéo tay và sáng tạo. Phần khác do trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh ở nước ta khá nhiều và được bảo hiểm y tế chi trả điều trị. Nhờ thế bác sĩ có cơ hội thực hành liên tục nên giỏi nghề và được thế giới biết đến”.

Nhận xét của bác sĩ Phi chính xác. Sau hơn 10 năm phát triển giờ đây can thiệp tim bẩm sinh trẻ em Việt Nam đã có chỗ đứng trên thế giới. Những năm trước đây, tại hai hội nghị thường niên lớn nhất về bệnh tim bẩm sinh là PICS (Hoa Kỳ) và CSI Frankfurt (Đức) bác sĩ Tín tham gia với tư cách chuyên gia biểu diễn ca bệnh trực tiếp. Gần đây, anh là thành viên hội đồng khoa học hoặc người điều hành các phiên thảo luận của những hội nghị này.

Năng lực chuyên môn xuất sắc cũng như khả năng trao đổi tiếng Anh thành thạo còn giúp anh được mời chủ trì nhiều hội nghị và khoá huấn luyện quốc tế. Một bác sĩ Nhật Bản đến bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM trao đổi chuyên môn hồi tháng 10.2022 chia sẻ: “Người làm can thiệp tim bẩm sinh trẻ em ở nước tôi ai cũng biết bác sĩ Tín. Ông ấy là một trong những bác sĩ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này”.

Tờ The Global New Light of Myanmar ngày 28/10/2022 đăng tin bác sĩ Đỗ Nguyên Tín (giữa) cùng bác sĩ Khin Maung Oo (người cao) can thiệp thành công cho 13 em bé Myanmar mắc bệnh tim bẩm sinh.

Tình yêu là mạch nước ngầm

Khi tôi hỏi GS Trương Quang Bình, tại sao bác sĩ Tín thành công trên con đường can thiệp tim bẩm sinh trẻ em, ông nói: “Một trong những lý do là vì anh ấy say mê nghề nghiệp, cặm cụi làm việc và tìm tòi không ngừng để phát triển chuyên môn. Nói thật, làm công việc can thiệp tim bẩm sinh trẻ em cực lắm, trách nhiệm lớn lắm. Nếu anh không say mê và theo đuổi mạnh mẽ con đường đang đi, mà làm vì mục tiêu nào đó như lợi ích kinh tế hoặc thoả mãn danh tiếng thì anh không thể đạt đến đỉnh cao nghề nghiệp”.

Sài Gòn cuối tháng 11 vẫn có những cơn mưa trái mùa. Vào một buổi chiều mưa, trong một ngôi nhà thân quen giữa lòng quận 5, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín chơi lại cho tôi nghe những bản nhạc guitar classic mà anh yêu thích như Nathalie, Romance D’Amour, Tuổi Đá Buồn, Diễm Xưa. Những giai điệu lúc réo rắt, lúc da diết khiến người nghe không khỏi liên tưởng đến sự thăng trầm của đời người.

Thật tình trong 20 năm quen biết bác sĩ Tín, tôi đã chứng kiến không ít quảng trầm của đời anh. Đó là những ca can thiệp thất bại dù anh đã nỗ lực hết sức, là sự chỉ trích của người chung quanh vì anh quá thẳng tính, hay những cản trở từ đồng nghiệp vì tranh cãi chuyên môn.

Nhưng tình yêu thật sự lại là mạch nước ngầm, dù bị ngăn cản đến mấy dòng nước vẫn len lỏi và tìm cách đi tới.

Chiều 19/11, tại sân trường tiểu học xã Thạch Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc, tình Bến Tre, sau buổi tầm soát bệnh tim trẻ em miễn phí do Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP.HCM và chính quyền địa phương tổ chức, anh trầm ngâm nói với tôi: “Sắp tới hội sẽ đi xa, đến những vùng đất nghèo hơn, nơi người dân chưa tiếp cận được y tế kỹ thuật cao”.

Trong năm 2022 qua, dù bận rộn chuyên môn, nhưng bác sĩ Tín cùng đồng nghiệp vẫn sắp xếp thời gian đi nơi này, nơi kia tìm kiếm những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh để đưa về TP.HCM phẫu thuật hoặc can thiệp. Chi phí của những hoạt động này đến từ mạnh thường quân và ban, ngành địa phương cùng có chung tấm lòng mang lại trái tim lành lặn cho trẻ em Việt.

Anh chia sẻ: “Tôi thích hoạt động tầm soát trẻ bệnh tim bẩm sinh vì nó giúp các bác sĩ trẻ có được tinh thần dấn thân và kết nối tình yêu con người lại với nhau. Bên trong mỗi người đều có những hạt mầm thiện lành và mạch nước yêu thương. Chỉ cần khơi gợi là hạt mầm sẽ mọc lên thành cây và mạch nước tuôn trào thành suối. Nhiều cây hợp lại thành rừng và nhiều suối sẽ hợp lại thành sông giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Gần 20 năm “kết duyên” với can thiệp tim bẩm sinh, người bác sĩ trẻ Đỗ Nguyên Tín giờ đây sắp tròn 50 tuổi. Mái tóc xanh ngày nào của anh giờ đã bạc nhiều do những va đập với cuộc sống và tác hại của tia X trong phòng lab. Nhưng bất chấp tất cả, dòng suối yêu thương trong anh dành cho chuyên ngành này vẫn tuôn chảy.

Có lần tôi hỏi bác sĩ Tín mong muốn hiện nay của anh là gì. Suy nghĩ hồi lâu, anh đáp: “Mong sao việc đào tạo can thiệp tim bẩm sinh trong nước bài bản hơn và mong các học trò phải mau chóng giỏi hơn mình”.

Nguồn: https://thegioihoinhap.vn/magazine/bao-xuan/bac-si-do-nguyen-tin-nguoi-mong-mo-cua-can-thiep-tim-bam-sinh/