Bác sĩ Nguyễn Kinh Bang, người thách thức đường mổ nhỏ

Khi thực hiện những đường mổ nhỏ cho em bé, phẫu thuật viên thường gặp khó khăn hơn. Nhưng để trẻ có một cuộc sống tốt sau này, bác sĩ Nguyễn Kinh Bang đã chọn phần khó về mình.

Bác sĩ Nguyễn Kinh Bang (giữa) mổ nội soi cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.

Lầu 2 khối nhà A của bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM là khoa Phẫu thuật lồng ngực tim mạch. Giữa tháng 8, trong căn phòng trưởng khoa cuối dãy, bác sĩ CK 2 Nguyễn Kinh Bang chia sẻ: “Mổ tim ít xâm lấn là xu hướng mới hiện nay trên thế giới trong phẫu thuật tim trẻ em. Trước đây, trong mổ tim kinh điển, bác sĩ mở ngực trẻ bằng một đường rạch da dài giữa ngực và chẻ đôi toàn bộ xương ức. Với đường mổ này, sau mổ trẻ đau đớn, hồi phục lâu, và có thể gặp di chứng tâm lý sau đó”.

“Mình không làm, tội người dân”

Cũng theo bác sĩ Bang, một bất lợi có thể gặp phải ở mổ tim kinh điển là nếu bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi hoặc vết mổ nhiễm trùng, vết sẹo giữa ngực sẽ lồi ra, kém thẩm mỹ, khiến trẻ mặc cảm, tự ti, đặc biệt là trẻ nữ. Ngoài ra, xương ức sau mổ phải khép lại bằng chỉ thép, nếu chẳng may quá trình lành xương không hoàn chỉnh, lồng ngực sẽ biến dạng như ngực lõm hoặc lồi ra như ngực gà. Tuy nhiên, mổ tim ít xâm lấn có thể tránh được gần như những bất lợi này vì đường mổ chỉ khoảng 3 cm và lại nằm ở hốc nách phải bệnh nhân.
Từ khi bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM triển khai mổ tim ít xâm lấn vào năm 2019 đến nay, số ca mổ tăng theo thời gian: Hai năm 2020 và 2021 là 113 ca, còn 6 tháng đầu năm nay khoảng 70 ca. Bác sĩ Bang nói tiếp: “Đầu tiên chúng tôi mổ những ca bệnh 7 – 8 ký, sau giảm dần và giờ đã làm được ca bệnh chỉ 3,5 ký”.

Cách phòng trưởng khoa vài chục mét là phòng bệnh nhi sau mổ chờ xuất viện. Ở đây có những bé vài tháng đến vài tuổi mắc các bệnh tim bẩm sinh ít phức tạp như thông liên nhĩ, thông liên thất đã được mổ bằng phương pháp ít xâm lấn. Chúng không nói được, nhưng những người thân đều vui khi trẻ được mổ theo cách này. Chị L, 32 tuổi, đến từ Đà Nẵng nói: “Ở chỗ tôi chưa có bệnh viện nào mổ tim trẻ ít xâm lấn, nên một bác sĩ giới thiệu tôi vào TP.HCM chữa cho con”.

Theo bác sĩ Bang, bệnh viện triển khai phương pháp mới cũng nhằm đáp ứng mong mỏi của bệnh nhân. Anh tâm sự: “Giờ đây người dân lên mạng tìm hiểu và biết nhiều thông tin. Mình làm được, nhưng không làm, tội nghiệp họ”.

Được biết, ở phía Nam, ngoài bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, hai bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Viện Tim TP.HCM cũng dần triển khai mổ tim trẻ ít xâm lấn. Ở phía Bắc, bệnh viện E đi đầu phương pháp này, sau đó là bệnh viện Nhi Trung Ương và bệnh viện Tim Hà Nội.

Tìm lối đi riêng

Mổ tim trẻ ít xâm lấn thật sự không dễ dàng. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên, chuyên gia hàng đầu mổ tim trẻ em đang công tác tại Viện Tim TP.HCM, mổ tim trẻ ít xâm lấn đã có trên thế giới 20 – 30 năm qua và phát triển qua nhiều bước.

Anh nói: “Giai đoạn đầu người ta cũng mổ đường giữa, nhưng chỉ cắt nửa xương ức hoặc mổ ở đường bên phải. Lúc này bác sĩ vẫn nhìn trực tiếp vào tim bệnh nhân. Hạn chế của cách này là thiếu ánh sáng và bác sĩ không nhìn thấy đầy đủ phẫu trường. Bước tiếp theo, nhờ hỗ trợ của nội soi 2-D và những dụng cụ mổ phù hợp mà bác sĩ làm việc tốt hơn. Giai đoạn này đường mổ nhỏ lại, nhưng bác sĩ vẫn nhìn trực tiếp vào phẫu trường.

“Trong giai đoạn ba, nhờ nội soi 3-D bác sĩ nhìn thấy phẫu trường trên một màn hình bên ngoài với hình ảnh như thật, nhờ thế có thể giải quyết được các bệnh phức tạp hơn.Ở giai đoạn này, bác sĩ không rạch da mà chỉ đục những lỗ nhỏ để đưa dụng cụ nội soi và phẫu thuật vào. Hiện tại, mổ tim ít xâm lấn trên thế giới đã tiến tới giai đoạn robot hỗ trợ. Bác sĩ ngồi bên ngoài, thông qua công nghệ thực tế ảo và điều khiển những cánh tay robot cầm dụng cụ mổ thay cho mình”.

Thực tế thì cách đây gần 20 năm, bác sĩ Viên từng triển khai mổ ít xâm lấn tại Viện Tim TP.HCM.Nhưng anh không thể đi xa vì khi ấy đó là phương pháp mới, lãnh đạo không ủng hộ và thiếu thiết bị mổ phù hợp để thực hiện.

Đi sau đàn anh, nhưng bác sĩ Bang lại thuận lợi vì được cấp trên ủng hộ, đặc biệt là sự trợ giúp của những công nghệ, thiết bị tiên tiến. Từ năm 2007 – 2018, anh cùng đồng nghiệp đã thực hiện cả ngàn ca mổ tim tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM bằng cách mổ kinh điển, trong đó có nhiều ca bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh phức tạp và nhẹ ký. Nhưng đến một lúc anh tự hỏi: “Ngày nay bệnh tim bẩm sinh đơn giản có tỷ lệ mổ thành công rất cao, tại sao mình không cho các em bé một cuộc sống chất lượng hơn bằng cách mổ những đường nhỏ và thẩm mỹ?”

Năm 2019, bác sĩ Bang rời bệnh viện Nhi Đồng 1, chuyển sang bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM làm việc. Anh tâm sự: “Nếu tôi ở lại bệnh viện Nhi Đồng 1, chắc chắn ban giám đốc cũng ủng hộ tôi mổ tim ít xâm lấn. Nhưng bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM mới ra đời, thiếu người làm và cần phát triển, nên tôi quyết định ra đi”. Sau hàng trăm ca mổ tim ít xâm lấn thành công trên những bệnh đơn giản, sắp tới anh dự định mổ các loại bệnh phức tạp hơn như tứ chứng Fallot, bệnh van tim trẻ em.

Bác sĩ Viên nhận xét về người đàn em: “Bác sĩ Bang là một phẫu thuật viên giỏi, chịu học hỏi, đam mê công việc và có tiềm năng”.

Phẫu thuật tim trẻ em, một nghề định mệnh

Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long, bác sĩ Nguyễn Kinh Bang thừa nhận sự chọn lựa đầu tiên của mình với y khoa không có gì đặc biệt. Anh nói: “Bố mẹ tôi là giáo viên và những người làm nghề giáo thường muốn con theo nghề y”. Được biết, trong gia đình ngoài anh ra còn có hai anh, chị cũng làm bác sĩ.
Tốt nghiệp y khoa năm 2000 rồi học tiếp nội trú ngoại nhi, năm 2003 bác sĩ Bang về làm việc tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM và được cử đi học phẫu thuật tim trẻ em tại Viện Tim TP.HCM. Kể từ đây, tình yêu của anh dành cho chuyên ngành khó này ngày một lớn dần.

Yêu nghề, động lực làm việc mạnh mẽ, nhưng sau nhiều năm hành nghề giờ đây bác sĩ Bang mắc chứng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và bắt đầu bị những cơn đau hành hạ. Anh giải thích: “Đó là hậu quả của việc duy trì tư thế gập cổ liên tục nhiều giờ trong mỗi ca mổ”.

“Liệu có cách nào ngăn bệnh tiến triển?”, tôi hỏi. Anh trả lời: “Ở nhà tôi cũng tập luyện và đeo nẹp cổ. Nhưng nhiều khi làm việc về tối mịt, mệt quá, tôi chỉ biết nằm vật ra, hoặc dành thời gian đọc thêm tài liệu để giải quyết những ca bệnh khó”.

Trong y khoa, có lẽ phẫu thuật tim trẻ em là một trong những chuyên ngành khó nhất. Gắn bó với ngành này 30 năm, bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên hiểu nỗi vất vả. Theo anh, chọn nghề y là một “định mệnh”, nhưng để đi xa trong phẫu thuật tim trẻ em còn “hơn cả định mệnh” vì nghề đã thật sự chọn mình.

Anh giải thích: “Để thành công trong lĩnh vực này, trước tiên cần có động lực phục vụ cộng đồng mạnh mẽ. Tiếp theo, người bác sĩ phải có một bộ não thật tốt, biết thu thập thông tin thường xuyên và xử lý chúng để áp dụng vào công việc, bởi giải phẫu và sinh lý tim rất phức tạp. Cuối cùng, bác sĩ ngành này phải khéo léo và tinh tế vì mổ tim rất cần chính xác”.

Theo bác sĩ Viên, người hội đủ ba yếu tố này không nhiều, nên không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới có rất ít bác sĩ mổ tim trẻ em. Vì thế, để tận dụng và phát huy hết năng lực của họ, cơ quan họ làm việc và xã hội cần chung tay giúp đỡ như tạo môi trường làm việc tốt, cho họ có một cuộc sống vật chất ổn định.

Nguồn:
https://thegioihoinhap.vn/loi-song/suc-khoe-y-te/bs-nguyen-kinh-bang-thach-thuc-duong-mo-nho/?fbclid=IwAR1TvM8wiYwicj25XwH3-KKHNShaYMWS-FAPyqsIAGpUVGuJnA8louMh2Ys