Còn ống động mạch

Trước khi em bé chào đời, máu của bào thai không cần đi đến phổi để nhận ô xy. Ống động mạch (tên tiếng Anh là ductus arteriosus) là một lỗ nhỏ cho phép máu từ tim phải đi đến động mạch chủ và đi ra ngoài cơ thể mà không cần đến phổi. Nhưng khi em bé chào đời, máu nhận ô xy trong phổi và chiếc lỗ này phải đóng lại trong vài ngày.

Nếu ống động mạch vẫn mở ra, gọi là còn ống động mạch (tên tiếng Anh là patent ductus arteriosus – PDA), thì máu có thể bỏ qua bước tuần hoàn bình thường, máu lưu thông đến phổi mà không được kiểm soát như thường lệ và dẫn đến những vấn đề cho phổi và tim.

Chú thích: Tim còn ống động mạch với tình trạng máu giàu ô xy (màu đỏ), máu nghèo ô xy (xanh) và máu trộn lẫn (tím). AO: Động mạch chủ. LA: Nhĩ trái. RA: Nhĩ phải. PA: Động mạch phổi. LV: Thất trái. RV: Thất phải. (Nguồn ảnh: Bệnh viện Nhi Philadelphia)

 

Nguyên nhân nào gây ra PDA?

Đa số trường hợp người ta không biết nguyên nhân nào gây ra PDA. Một số trẻ có thể có cùng lúc PDA và những dị tật tim khác.

Tuy nhiên người ta nhận thấy một só yếu tố nguy cơ có thể gây ra PDA gồm:

  • Sinh non: PDA thường gặp ở trẻ sinh non hơn là trẻ sinh đủ tháng.
  • Tiền sử gia đình và các tình trạng di truyền khác: Trẻ có tiền sử gia đình bị dị tật tim hoặc các tình trạng di truyền khác, như hội chứng Down (dư nhiễm sắc thể 21), sẽ tăng nguy cơ mắc PDA.
  • Mẹ nhiễm rubella khi mang thai: Nếu mẹ mắc bệnh rubella trong khi mang thai, nguy cơ dị tật tim của trẻ sẽ tăng lên. Xét nghiệm máu trước khi mang thai có thể biết được mẹ có miễn dịch với rubella không. Nếu chưa có miễn dịch, mẹ sẽ được chủng ngừa để tạo miễn dịch.
  • Trẻ chào đời ở cao độ: Những trẻ chào đời ở độ cao trên 2.500 mét có nhiều nguy cơ bị PDA hơn so với trẻ chào đời ở độ cao thấp hơn.
  • Trẻ gái: PDA có ở trẻ gái nhiều gấp đôi so với trẻ trai.

PDA ảnh hưởng đến tim như thế nào?

Bình thường tim trái chỉ bơm máu cho cơ thể và tim phải bơm máu lên phổi. Nhưng ở trẻ PDA, một lượng máu dôi ra được bơm từ động mạch chủ vào động mạch phổi. Nếu PDA có lỗ lớn, máu dôi ra được bơm vào động mạch phổi khiến cho tim và phổi phải làm việc cực nhọc hơn và phổi có thể bị sung huyết (ứ máu).

PDA ảnh hưởng lên trẻ ra sao?

Nếu PDA lỗ nhỏ, bệnh hầu như không gây ra triệu chứng nào vì tim và phổi không phải làm việc cực nhọc. Bằng chứng bất thường duy nhất có thể là một tiếng thổi đặc biệt (nghe bằng ống nghe).

Nếu PDA lỗ lớn, trẻ có thể thở nhanh và khó nhọc hơn bình thường. Em bé có thể bú khó và tăng trưởng vừa phải. Những triệu chứng có thể không xảy ra đến nhiều tuần sau sinh. Cao huyết áp có thể xảy ra ở các mạch máu trong phổi vì máu ở đó nhiều hơn bình thường. Lâu dài điều này có thể gây ra tổn thương thường xuyên cho những mạch máu ở phổi.

Triệu chứng của PDA là gì?

Triệu chứng PDA phụ thuộc vào kích thước của khiếm khuyết và tuổi em bé. Một PDA nhỏ thường không gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Vài bệnh nhân không biết mình có bệnh cho đến khi trưởng thành. Nhưng PDA lớn có thể gây những triệu chứng của suy tim ngay sau khi trẻ sinh ra.

PDA lớn xảy ra trong thời kỳ sơ sinh hoặc thời thơ ấu của trẻ sẽ biểu hiện bằng các triệu chứng như:

  • Ăn kém dẫn đến tăng trưởng kém.
  • Đổ mồ hôi khi khóc hoặc ăn.
  • Thở nhanh dai dẳng hoặc khó thở.
  • Dễ mệt mỏi.
  • Nhịp tim nhanh.

Điều trị PDA như thế nào?

Những PDA lỗ nhỏ thường tự đóng vì thế bệnh nhân có thể không cần bất kỳ điều trị nào. Đối với PDA lỗ lớn hơn, bác sĩ có thể khuyến cáo đóng PDA lại.

Ở một số trẻ sinh non, PDA có thể gây nguy hiểm, trường hợp này bác sĩ có thể cho một số loại thuốc để đóng PDA lại. Nếu PDA không đóng hoặc đóng lại không nhiều sau khi dùng thuốc, bác sĩ có thể tiến hành mổ hoặc can thiệp để đóng PDA lại nếu cần thiết.

Trong đa số trường hợp, PDA có thể đóng lại trong khi tiến hành can thiệp tim mạch. Trong phương pháp này, chuyên gia can thiệp tim mạch sẽ đưa một ống nhỏ (ống thông) ngang qua một tĩnh mạch/hay động mạch ở chân rồi luồn nó vào trong và quanh tim. Kế tiếp, bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ nhỏ để bịt PDA lại.

Trẻ nhỏ thường xuất viện ngay trong ngày hoặc ngày hôm sau. Trẻ cần được giữ yên trong vài ngày rồi sau đó hoạt động lại bình thường. Đối với những trường hợp PDA phức tạp nhất, bác sĩ có thể cho chỉ định mổ.

Ảnh dưới: Bác sĩ can thiệp tim mạch điều trị PDA bằng cách đưa một dụng cụ nhỏ vào để đóng PDA lại.

Làm sao phòng ngừa PDA?

Không thể ngăn ngừa tuyệt đối PDA. Tuy nhiên, điều quan trọng có thể làm được là thai phụ làm mọi cách có thể để có được một thai kỳ khoẻ mạnh. Sau đây là một số nguyên tắc cơ bản:

  • Khám tiền sản sớm, thậm chí khám sức khoẻ trước khi mang thai: Bỏ thuốc lá, giảm căng thẳng, ngưng thuốc tránh thai. Nói với bác sĩ tất cả những loại thuốc mà bạn đang dùng, kể cả những thuốc mua không cần toa bác sĩ.
  • Dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ: Bổ sung các vi chất thiết yếu (axit folic, canxi, sắt, kẽm…). Sử dụng 400 microgram axit folic mỗi ngày trước và trong khi mang thai cho thấy giảm được những vấn đề ở não và tuỷ sống của trẻ. Nó cũng giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim.
  • Tập thể dục thường xuyên: Hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn về các bài tập phù hợp với bạn.
  • Tránh rượu bia, thuốc lá: Những thói quen sống này có thể gây hại cho sức khoẻ em bé. Cũng nên tránh hút thuốc lá thụ động.
  • Tiêm ngừa đầy đủ: Trước khi mang thai cần chích ngừa các vắc xin cúm, rubella, viêm gan B, thủy đậu… vì một số bệnh nhiễm trùng có thể làm hại sự phát triển của em bé.
  • Kiểm soát bệnh đái tháo đường: Nếu bạn bị đái tháo đường, việc kiểm soát đường máu có thể làm giảm nguy cơ mắc vài bệnh tim trước khi trẻ chào đời.
  • Trường hợp có tiền sử gia đình bị dị tật tim hoặc các rối loạn di truyền khác, hãy đi khám trước khi mang thai. Bác sĩ có thể chỉ định bạn làm các xét nghiệm sàng lọc để giảm thiểu nguy cơ thai nhi mang gen khuyết tật bẩm sinh.