Trong lĩnh vực y khoa, những năm 1980 trở về trước, nhắc đến tim bẩm sinh, không ít thế hệ bác sĩ (BS) Việt Nam “rùng mình” vì bệnh như một án tử treo lơ lửng trên đầu.
Hiện tỉ lệ trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh ở Việt Nam đã được cứu sống rất cao. Tuy nhiên, ít ai biết, đằng sau sự thăng hoa đó là nỗ lực thầm lặng của những thế hệ BS đã chọn chuyên ngành khó này.
Gian nan hành trình “vá tim”
Cuối những năm 1980, trẻ bị tim bẩm sinh và tử vong do bệnh nặng cần được phẫu thuật quá nhiều trong khi chưa có một cơ sở y tế chuyên sâu nào đủ sức giải quyết được. Một số trẻ được tổ chức từ thiện mang sang Pháp mổ tim nhưng chỉ là giải pháp tạm thời và họ dần đuối sức.
Thời điểm này, cố GS – Viện sĩ Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã đích thân sang Pháp gặp GS Alain Carpentier, Chủ tịch Hiệp hội Alain Carpentier (Pháp), nhờ giúp Việt Nam xây dựng một cơ sở mổ tim hở. Tuy nhiên, ba lần thuyết phục, GS Dương Quang Trung đều bị từ chối do lo ngại Việt Nam không đủ sức vận hành cơ sở y khoa kỹ thuật cao.
Không nản lòng, GS Dương Quang Trung kiên trì và mời GS Alain Carpentier sang Việt Nam để tìm hiểu thực tế. Trong một lần tham quan BV Nhi đồng 2, ông đã bị lay động khi ngẫu nhiên chứng kiến cái chết đau đớn của một bé gái 12 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh. Dự án thành lập Viện Tim được xúc tiến từ đây và xây dựng, hoàn thành vào năm 1991.
Để chuẩn bị nhân lực cho việc mổ tim hở, BS Nguyễn Minh Trí Viên, hiện là trưởng khoa Ngoại điều trị Viện Tim TP.HCM, đã được gửi sang Pháp đào tạo vào khoảng năm 1993.
Ban đầu, BS Trí Viên chỉ mổ những ca có lỗ thông đơn giản hoặc tứ chứng Fallot (tim có bốn khuyết tật) từ khoảng 15 kg trở lên. Tuy nhiên, có nhiều trẻ không kịp đợi đến đủ cân đã ra đi, tỉ lệ tử vong sau mổ do tứ chứng Fallot vẫn còn cao, cứ năm ca thì có một ca tử vong. Viện Tim mổ hết công suất chỉ giải quyết được 1/10 nhu cầu. Điều này đặt ra yêu cầu phải mổ được cho trẻ nhẹ cân hơn.
Dựa trên kinh nghiệm học hỏi từ Úc, năm 1998, BS Trí Viên đã đưa ra phương pháp TAPA, điều trị khối hẹp ngay trong lòng động mạch phổi, cố gắng bảo tồn nguyên vẹn cấu trúc thất phải. Đây được xem là bước đột phá lớn ở thế kỷ trước trong điều trị tứ chứng Fallot ở Việt Nam, giúp trẻ không còn tử vong, rút ngắn thời gian hậu phẫu và mổ được cho cả trẻ 5-10 kg.
Tuy nhiên, để tiệm cận mổ bệnh lý tim phức tạp cho trẻ sơ sinh là một hành trình khá dài. Ước mơ này chỉ thành hiện thực khi đến năm 2000, cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo Viện Tim, BS Trí Viên đã được giúp đỡ sang Bệnh viện (BV) Hoàng Gia (Melbourne, Úc), đào tạo thường trú trong BV.
Khi về nước, những ca đầu tiên triển khai cũng không dễ dàng khi tỉ lệ tử vong cao, BV không có thiết bị đầy đủ, chưa đồng bộ trong khâu tiếp nhận từ BV sản và nhi…
Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 1%-2% trường hợp tử vong sau mổ tim bẩm sinh, chủ yếu do nhiễm trùng, bệnh ở giai đoạn trễ, suy tim.
Xem thêm: https://plo.vn/nhung-doi-tay-vang-tien-phong-va-loi-trai-tim-post721557.html