TS – BS Cao Đằng Khang: Người mang lại trái tim khỏe mạnh cho hàng ngàn trẻ em bị tật tim bẩm sinh

Trái tim thai nhi phát triển không hoàn thiện tạo ra các khuyết tật, còn gọi là bệnh tim bẩm sinh (BTBS). Tỷ lệ mắc bệnh này được ghi nhận khá cao với tỷ lệ 1/150 bé sơ sinh. Ngày nay với sự tiến bộ của y học, BTBS hoàn toàn chữa khỏi.

TS – BS Cao Đằng Khang, Trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Tuy nhiên, còn khá nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đưa con thăm khám điều trị sớm dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém hơn, thậm chí tử vong.

Chính vì vậy, Bệnh viện đại học y dược TP.HCM đã triển khai chương trình từ thiện “Khám và tầm soát BTBS cho trẻ em” ở vùng sâu, vùng xa. Hơn 15 năm thực hiện, chương trình này đã phẫu thuật tim miễn phí, mang lại trái tim khỏe mạnh cho hàng ngàn trẻ em bị BTBS. Một trong những bác sĩ phẫu thuật tim tham gia trong những ngày đầu của chương trình, chính là TS – BS Cao Đằng Khang, hiện là trưởng khoa phẫu thuật tim trẻ em.

TS – BS Khang sinh ra và lớn lên tại Bình Dương. Anh đến với ngành y như một cái duyên. Không định hướng trước, khi còn học phổ thông, không được thầy cô hướng nghiệp như học sinh bây giờ, nên anh quyết định thi luôn 5 trường đại học, với quan điểm đậu trường nào học trường đó và anh đã đậu cả 5 trường.

“Tôi nghĩ, làm bác sĩ sẽ cứu được nhiều người, nên tôi chọn y và theo ngoại khoa.

Sau tốt nghiệp năm 2000, tôi học thêm về lòng ngực, trong quá trình công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi được thầy cô giới thiệu sang Pháp học chuyên sâu về phẫu thuật tim người lớn và trẻ em.

Năm 2005, tôi về công tác tại khoa phẫu thuật tim của Bệnh viện đại học y dược đến nay”, BS. Khang cho biết.

BS. Khang là người rất kiệm lời khi nói về bản thân, nhưng khi hỏi về bệnh nhân và chuyên môn anh rất sẵn sàng. BS. Khang chia sẻ: “Tôi nhớ mãi hình ảnh bà cụ già ngoài 70 tuổi, ở Cần Thơ, phải buôn bán kiếm tiền nuôi 2 đứa cháu ăn học, nhưng có một cháu bệnh tật liên miên, khù khờ, sức khỏe rất yếu… Bà không có tiền dẫn cháu đi khám bệnh.

Khi nghe có đoàn từ thiện về khám, bà vui mừng dẫn cháu đến. Bác sĩ phát hiện cháu mắc BTBS, do để lâu nên bệnh khá nặng, phải đưa lên bệnh viện mới phẫu thuật điều trị được. Bà khóc rất nhiều vì không có tiền lo cho cháu.

Sau đó, bà được phòng công tác xã hội của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tư vấn và làm thủ tục đưa về bệnh viện. Cháu được mổ hoàn toàn miễn phí.

Nay đã hơn 6 năm, sau phẫu thuật và điều trị, cháu đã khỏe mạnh, hiện vẫn còn đến bệnh viện tái khám 1 năm 2 lần. Mỗi lần tái khám, tôi chỉ thấy có hai bà cháu đi cùng nhau, tôi thật sự vui khi cháu được khỏe mạnh vì ít ra, cháu sẽ đỡ đần phần nào cho bà …”.

Đó là một trong rất nhiều trường hợp mà BS. Khang đã gặp trong “hành trình” khám sàng lọc BTBS hay trong quá trình điều trị cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. BS. Khang cho biết: “Một ca phẫu thuật thành công, là sự hợp sức đóng góp cả một ê-kíp, nhiều người, nhiều chuyên khoa.

Phẫu thuật tim cho bệnh nhi là phẫu thuật rất khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề và tập trung cao, vì các bộ phận cơ thể của bé rất nhỏ so với người lớn.

Chính vì vậy, riêng đối với bản thân, tôi luôn đặt trên vai mình một trách nhiệm, một nhiệm vụ để khi bước vào phòng mổ, phải hoàn thành tốt nhất có thể.

Mỗi ca phẫu thuật thành công, sẽ giúp bé chuẩn bị “hành trang” sức khỏe trên chặng đường dài phát triển và trưởng thành… để tự lập và lo cho bản thân”.

BTBS có nhiều dạng bệnh lý với mức độ nguy hiểm khác nhau. Một số có biểu hiện nhẹ, có thể tự lành và chỉ cần lưu ý thăm khám định kỳ. Tuy nhiên, nhiều bệnh lý nặng phải chẩn đoán, can thiệp hoặc phẫu thuật từ sớm. Việc chẩn đoán và điều trị sớm BTBS có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, tính mạng và sự phát triển bình thường, toàn diện của trẻ. Một bệnh nhi mắc BTBS nếu được phát hiện sớm và điều trị tốt, hoàn toàn có trái tim khỏe mạnh; nhưng nếu để bệnh kéo dài, có thể gây ảnh hưởng đối với những cơ quan khác như phổi, gan, hệ thống thần kinh thậm chí dẫn đến tử vong.

“Hiện nay với sự phát triển chẩn đoán, kỹ thuật và trình độ của kỹ thuật viên, bác sĩ, có thể chẩn đoán BTBS từ trong bào thai khi thai được 20 – 22 tuần tuổi.

Tuy nhiên, vẫn còn ca đưa đến bệnh viện trong tình trạng muộn vì một lý do nào đó nên việc điều trị gặp không ít khó khăn, tốn nhiều chi phí, có trường hợp không còn cơ hội cứu sống hoặc bệnh nhân ra đi khi trên đường đến bệnh viện. Chúng tôi rất đau lòng, thay vì bệnh nhân hoàn toàn có thể khỏe mạnh nếu được điều trị sớm hơn ”, BS. Khang nói.

Nguồn: https://khoahocphothong.vn/ths-bs-cao-dang-khang-nguoi-mang-lai-trai-tim-khoe-manh-cho-hang-ngan-tre-em-bi-tat-tim-bam-sinh-236504.html